Tự hào Nhà giáo Việt Nam

70 lượt xem

           

         Khi những cơn gió se se lạnh ùa về, cây bàng trên sân trường bắt đầu trút lá cũng là dịp học sinh vui mừng, háo hức đón chào ngày Nhà giáo Việt Nam. Đó là nếp truyền thống “Tôn sư trọng đạo” – một truyền thống cao đẹp của dân tộc Việt Nam. Ngày 20/11 sắp đến, trong lòng mỗi thầy cô lại nao nao xúc động nhớ về những kỷ niệm mới vào nghề dạy học – Nghề được cả xã hội tôn vinh nhưng cũng không ít khó khăn vất vả; trào dâng, chất chứa bao kỷ niệm xúc động về mái trường đã, đang cống hiến với thật nhiều tình cảm gắn bó yêu thương vô bờ bến của đồng nghiệp. Vì học sinh, thầy cô không quản ngại gian nan, khó nhọc:  ngày lên lớp, tối đến lại miệt mài bên trang giáo án, chấm bài, sửa từng câu chữ, từng phép toán, uốn từng lời nói và hành vi, cử chỉ như người mẹ hiền thứ hai. Những sân chơi trí tuệ  các em giành những thành tích cao, những buổi trải nghiệm hay hoạt động ngoại khóa, bài toán khó,…đều có thầy cô ở bên truyền hơi ấm, sự yêu thương, quan tâm, chia sẻ, khích lệ và tạo niềm tin. Thầy cô luôn là tấm gương sáng tuyệt vời về sự sáng tạo và đức hy sinh, là ngọn đuốc thiêng liêng soi đường, rọi lối, chắp cánh ước mơ cho học trò bước tiếp để con đường tương lai rộng mở. Con đường ấy chính là thầy cô khai mở, lặng thầm đưa những chuyến đò qua sông cập bến.

       Để lớp lớp học sinh không chỉ có hành trang là tri thức mà còn có những hiểu biết về thế giới xung quanh – điều lý thú của cuộc sống. Thầy cô không chỉ dạy chữ (thông minh trí tuệ) mà còn dạy làm người (thông minh cảm xúc). Đó là minh chứng sinh động “ Nghề dạy học là nghề cao quý nhất”. Nhưng thầy cô không khỏi áp lực, lo lắng, rầu lòng khi học trò có hành vi, cư xử như: nói tục, chửi bậy, xô sát sứt chân tay, chưa tự giác học,…và cả ý kiến, thông tin qua mạng chưa nhận được sự thông cảm, chia sẻ của cha mẹ học sinh và xã hội. Với tấm lòng bao dung độ lượng, với lòng vị tha và đức hi sinh, thầy cô nhẹ nhàng, tận tâm chỉ bảo dạy dỗ, thuyết phục để học sinh nhận ra điều hay, lẽ phải, kịp thời sửa chữa sai trái.

       Tuy vậy, thầy cô vẫn thật tự hào và hạnh phúc về học trò của mình khi đạt giải cao trong các cuộc thi, năng khiếu ca hát, hội họa, thể dục thể thao…Đó là nguồn động viên, là động lực to lớn để thầy cô tiếp tục cố gắng và cống hiến cho nghề. Ngày nay, cùng với sự phát triển của đất nước, sự học đã trở thành nhu cầu bức thiết của mỗi người, mỗi nhà. Điều đó cũng đòi hỏi ở người thầy trước tiên phải là tấm gương sáng về đạo đức, tự học, sáng tạo, luôn sống và làm việc theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ chủ tịch; mỗi người thầy phải tự khẳng định năng lực bằng thực tiễn dạy học, cải tiến phương pháp dạy học  lấy học sinh làm trung tâm và phát triển năng lực, phẩm chất của người học. Dạy cho học sinh cách học, tự học, tự quản; dạy học qua trải nghiệm, gắn với thực tế cuộc sống, giáo dục kỹ năng sống… Làm được như vậy đó mới thực sự là những người thầy hạnh phúc, mới xứng đáng với sự tôn kính và trân quý của cả xã hội.

       Ngày hội của các thầy cô giáo sắp đến. Các thế hệ thầy cô giáo thật tự hào, hạnh phúc khi được các thế hệ học sinh nhớ đến qua vần thơ, đóa hoa tươi thắm nhưng thầy cô sẽ hạnh phúc hơn với những món quà tinh thần – là sự nỗ lực, chăm chỉ, tìm tòi, sáng tạo và thái độ nghiêm túc, tôn trọng, lễ phép và trung thực trong học tập của các em. Các thầy cô giáo luôn mong mỏi học sinh tiến bộ, sớm trở thành những con người thực sự có ích cho đất nước.  Với ý nghĩa ấy, mỗi học sinh hãy kính dâng lên thầy cô đoá hoa thành tích tươi thắm và lời chúc các thầy cô dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc cùng với sự động viên, cảm thông chia sẻ, phối hợp của các bậc cha mẹ học sinh và xã hội để thầy cô luôn phấn chấn, vững tâm dìu dắt các thế hệ học sinh từng bước trưởng thành và tự tin Hội nhập quốc tế./.   
                                                                                              T.T.L

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *