NGƯỜI GIEO HẠT TRÊN SƯỜN NON

57 lượt xem

Nắng ấm. Từng rặng đào bung nở như những đám mây hồng quện trong cái biển bông trắng bồng bềnh lưng chừng núi. Gió xuân phe phẩy. Vườn cải vàng rực.  Đứng trên sườn đồi của Phìn Hồ mà nhìn ngắm mới thấm được cái hay, cái đẹp trong câu thơ của cụ Nguyễn Du:
“Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”
                                             Trích “Truyện Kiều” – Nguyễn Du
 Từng dòng thác trắng xóa, những tảng đá khổng lồ, những vũng nước trong suốt , những đập thủy điện có mặt nước trong xanh, nương thảo quả thơm nức mỗi độ mùa trái chín…. Tất cả quấn quýt, xen lẫn khiến cho người ta khó mà cảm nhận sự tách biệt rõ ràng đâu là trời, đâu là đất hay đây là chốn bồng lai, tiên cảnh? Thiên nhiên nơi đây quyến rũ lạ kì nhưng con người nơi đây còn làm cho người đến còn lưu luyến mãi chẳng muốn rời xa. Trong đó, Chảo Ông Chẳn được biết đến là một “Người gieo hạt trên sườn non”.
Thầy giáo Chảo ông Chẳn sinh ngày 18  tháng 5  năm năm 1989 tại thôn Phìn Hồ , xã Tả Phời, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Thực hiện ước mơ “đem cái chữ đến cho bọn trẻ trong bản” của người cha già – ông Chảo Láo Sử – Bí thư Chi bộ thôn Phìn Hồ, người con trai út đã không  quản ngại mưa nắng, vượt núi băng rừng,  mưa lũ đến trường học cái chữ hết bậc tiểu học. Trường Phìn Hồ chỉ có đến lớp 5, không còn con đường nào khác, cậu bé người Dao đã chăm chỉ  học và thi đỗ vào trường PTDT Nội Trú huyện Bảo Thắng. Con đường đến trường chẳng hề dễ ràng, lại phải trải qua 12 km vượt núi  đến trung tâm xã Tả Phời để bắt xe ôm ra xã Cam Đường, sau đó mới bắt  xe khách xuống trường. Vì điều kiện khó khăn, một năm chỉ về nhà được hai lần vào dịp Tết và  kì nghỉ hè, cậu bé Chẳn nén lại nỗi nhớ nhà, nhớ cha mẹ mà ra sức học hành. Năm 2006 Chảo Ông Chẳn thi đỗ vào trường THPT Dân tộc Nội trú Tỉnh Lào Cai và nuôi tiếp ước mơ trở thành thầy giáo. Trời chẳng phụ lòng người hiếu học, năm 2009 đỗ vào trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương. Năm 2012, Chảo Ông Chẳn cầm chiếc bằng Tốt nghiệp Cao Cao đẳng Sư phạm khoa Tiểu học loại Giỏi trở về quê hương yêu dấu và trở thành người thầy giáo người Dao đầu tiên của trường TH&THCS số 1 Tả Phời.
Ngay từ khi mới ra trường, chàng thanh niên có vóc người nhỏ bé, đôi mắt sáng và nhanh nhẹn đã tình nguyện công tác tại điểm trường Can Thàng – điểm trường xa nhất của trường nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn có độ cao 1.713m so với mực nước biển. Từ Phìn Hồ lên điểm trường Can Thàng  dài 6 km chỉ là đường mòn gập gềnh sỏi đá. Mỗi khi, ông mặt trời thức dậy,  con gà cất  tiếng gáy te te, đàn trâu “nghé ngọ” gọi nhau, bà con dân bản thấy thầy giáo Chẳn dậy thật sớm đeo ba lô đi bộ đến trường. Hết núi này, rồi lại núi khác, qua suối này đến thác khác, trời nắng cũng như trời mưa lũ, mùa đông lạnh giá hay mùa hè nắng lực, Chảo ông Chẳn  chẳng bao giờ để học trò của mình phải chờ thầy giáo. Có những hôm gặp đồng nghiệp trên đường đi làm, Chẳn nhoẻn miệng cười: “Em đi bốt đấy”. Chẳn đi “bốt” (ủng) vì đường lầy lội, qua rừng, qua suối.
 
            Ngày nào cũng vậy, vừa dạy học vừa nấu cơm cho học trò ăn, thầy Chẳn như một người “mẹ” hiền bên đàn con thơ. Hôm nào trời nắng, thầy mang theo những gói dầu gội đầu  gội cho từng đứa  một, rồi giặt cả chăn, màn nữa chứ. Khi được hỏi, thầy bẽn lẽn trả lời “Các em còn bé lắm, cha mẹ đi làm suốt ngày, mình nấu cơm cho chúng ăn, chúng không đói, chiều no cái bụng, chúng mới không khóc, không đòi về”. Có bé nhà ở gần cũng ăn cơm ở trường cùng thầy và các bạn vì cơm thầy nấu ngon, vì có đông bạn vui.  Một số em học lớp một, một vài em học lớp hai,  lúc nào cũng ríu rít bên thầy. Để làm phong phú hơn bữa ăn của đàn con thơ nhỏ bé, sau giờ lên lớp, thầy cùng học trò cuốc đất trồng rau . Có những hôm mệt lắm, dạy mãi trò vẫn chưa đọc thông, cầm tay mãi, trò vẫn viết chưa đẹp, hướng dẫn đánh vần mãi,trò vẫn chưa đọc thông. Học trò mà, có em nhận thức nhanh, có em nhận thức chậm. Thầy Chẳn bèn mua ít truyện tranh mang lên lớp. Thế là lũ trẻ tranh nhau xem, thi nhau tập đánh vần để biết cái chữ. Cuối năm học, lớp của thầy đạt 100% sau khảo sát. Có những học sinh, do hoàn cảnh khó khăn, giúp cha mẹ trông em nên không đi học đều, bằng vốn từ tiếng Mông ít ỏi, thầy Chẳn đến gia đình vận động cha mẹ cho con đến trường. Thầy chấp nhận trông thêm cả đứa em nhỏ của học sinh để chúng có thể đến lớp, không bị rỗng kiến thức. Năm 2016, thầy giáo Chẳn đã trở thành Đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam. Thương học trò có lớp học chưa chắc chắn, sợ cái nước mưa bắn vào lớp ướt sách vở, sợ cái lạnh của sương muối làm tê buốt chân tay các em mà lòng thầy giáo trẻ chẳng lúc nào nguôi. Thầy liên tục đề nghị BGH nhà trường xin lãnh đạo thành phố, xin UBND thành phố, các tổ chức từ thiện cấp kinh phí, tổ chức xây dựng lại phòng học ở điểm trường Can Thàng . Năm 2018, tâm nguyên của thầy đã được hoàn thành. Hai phòng học bằng gỗ mục nát  ở  điểm  trường Can Thàng đã được thay thế bằng hai phòng học bằng tôn  chắc chắn, hai phòng ở giáo viên bằng tôn trị giá  hàng trăm triệu đồng có sân bê tông và vườn rau đẹp đẽ đang vang lên tiếng đọc bài trong trẻo của trẻ thơ.

 

            Ban ngày dạy học tại điểm trường CanThàng, buổi tối, thầy giáo Chẳn lại tình nguyên tham gian dạy lớp học xóa mù  chữ cho bà con dân bản. Từ năm 2012 đến nay, thầy giáo Chẳn  không hề mệt mỏi. Thầy không chỉ gieo vào lòng học trò bé nhỏ tình yêu cái chữ mà còn gieo vào lòng bà con quê nhà niềm tin vào tương lai tươi sáng: học để biết chữ, biết đọc, biết viết, biết tính toán, biết làm ăn kinh tế. Ánh sáng của con chữ đến với bà con dân bản đã xua tan bóng tối của màm đêm nghèo đói. Nhân dân thôn Phìn Hồ đã đi theo tiếng gọi của Đảng và nhà nước mà chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Như một giấc mơ, hiện nay cây lê VH6 Tai Nung, cây dong, cây chè Tuyết San sinh trưởng tốt trên thôn Phìn Hồ và Phìn Hồ Thầu,Ú sì Sung. Các bể cá hồi, cá tầm ở thôn Phìn Hồ Thầu cung cấp sản lượng lương thực lớn cho thành phố Lào Cai góp phần hoàn thành, duy trì bền vững các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở xã Tả Phời thành phố Lào Cai.
                Tin vào tình yêu cái chữ, thấy được vai trò của ánh sáng văn hóa ở  thầy giáo Chẳn, học sinh và bà con nơi đây đã hiểu được tầm quan trọng của học tập . Số lượng học sinh đến trường đúng độ tuổi ngày càng cao. Có nhiều học sinh đạt giải trong các cuộc thi, số lượng học sinh thi vào THPT, học nghề đươc nâng lên. Điều đó chứng tỏ vai trò quan trọng  của người gieo cái chữ, gieo ánh sáng văn hóa, gieo hạt giống tâm hồn. Có thể nói, thầy giáo Chảo Ông Chẳn là một trong những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học, làm  theo lời Bác đang tận tụy, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục đáng khâm phục, tự hào của các thầy giáo, cô giáo trường TH&THCS số 1 Tả Phời thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai.
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *