Người chị của tôi

57 lượt xem

Tôi gặp nhà giáo Triệu Thị Trà vào một buổi sáng mùa đông, mây mù phủ kín trên các triền đồi và mưa rây rắc bụi trên dải sân gầy của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở số 2 Tả Phời, thành phố Lào Cai. Ấn tượng đầu tiên của tôi về cô là một phụ nữ nhanh nhẹn, hoạt bát, thông minh, cá tính và đặc biệt có giọng nói ấm, nhẹ, nụ cười phúc hậu, ánh mắt thiện cảm và tạo sự tin cậy cho người đối diện. Tôi – một cô giáo chân ướt chân ráo từ trường huyện vùng cao chuyển về thành phố, được cô dự giờ mà vừa vui vừa sợ. Nhưng cô, với cuốn sổ nhỏ trên tay, không hướng mắt về tôi – người dạy tiết học ghép cho 17 học sinh lớp 3 + 5 – hay ghi chép mà đưa mắt lướt qua những gương mặt thơ ngây, rụt rè của lũ trẻ. Tôi nhận thấy trong mắt cô ánh lên một sự thấu cảm. Rồi cô rời vị trí ngồi dự giờ đến bên Chảo Láo Sủ, hướng dẫn em cách tính phép chia, nhẹ nhàng xoa đầu em khi em hoàn thành nội dung bài tập. Tiết học kết thúc, sau khi mỉm cười chào cả lớp, cô rảo bước nhanh ra khoảng sân nhỏ ướt nhẹp bởi mưa bụi và sương mù, nơi có mấy đứa trẻ chân trần với manh áo mỏng manh, nhàu nhĩ, môi tím, má au đỏ vì lạnh. Ánh mắt cô ấm áp nhìn chúng, đưa bàn tay đã điểm dấu thời gian với những vết đồi mồi nắm chặt tay chúng như muốn truyền hơi ấm. Vậy là trong buổi họp Hội đồng sư phạm, cô tận tay trao quà và số tiền ít ỏi cô dành dụm cho các em học sinh nghèo vượt khó của nhà trường với chia sẻ mong các em vơi đi phần nào khó khăn để tiếp tục đến trường. Tôi thấy lòng mình ấm lại. Và trong tôi từ đó đã in đậm hình ảnh của cô giáo Triệu Thị Trà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám, thành phố Lào Cai.


                        Hiệu trưởng Triệu Thị Trà (thứ 3 từ trái sang hàng cuối)
                                cùng học sinh trong chuyến trải nghiệm.

Cô giáo Triệu Thị Trà sinh ngày 4/7/1962 tại xã Mường Lai, Lục Yên, Yên Bái. Bố là thương binh thời chống Pháp, mẹ làm nông nghiệp, nhà đông anh em (có tới 11 anh chị em). Hồi nhỏ, cô học ở Trường cấp 1, 2 Mường Lai; nhiều năm được chọn đi thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Lên cấp 3, học ở Trường cấp 3 Lục Yên, cách nhà 12 cây số, nên cô phải ở trọ. Ngày ấy còn khó khăn lắm. Vậy là, ở cái bản làng nhỏ bé của cô, người ta đã quen với hình ảnh cô học trò bé nhỏ, gầy nhách cứ thứ bảy hàng tuần đeo túi vải, nhảy chân sáo về làng, rồi hôm sau lại tùng tằng mớ sắn, mớ rau về trường. Cô tâm sự, ngày ấy đói lắm, đêm nằm “da bụng dính lưng”, nhưng nghĩ đến bố mẹ, nghĩ đến sự tin tưởng của mọi người dành cho mình, cô đã vượt qua. Vượt lên cái đói, cái nghèo, cô đã giành nhiều danh hiệu học sinh tiên tiến. Hai năm cuối cấp cô được chuyển sang lớp chọn và trong đội tuyển học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh của trường.
Tốt nghiệp cấp 3 năm 1979, cô thi đại học sư phạm, song vận may không mỉm cười khi chỉ đủ điểm vào học hệ 10+2. Học được một thời gian, cô mới biết là mình thuộc diện được tuyển thẳng vào đại học sư phạm nếu có nguyện vọng, bởi trước đó đã tham gia và đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc. Ngày ấy thông tin liên lạc không như bây giờ, đến khi biết thì không còn thay đổi kịp nữa. Nhiều thầy cô ở cấp 3 khi đó rất lấy làm ngạc nhiên, tiếc cho cô trò nhỏ ham học của mình thiếu may mắn. Ban đầu rất buồn, bởi không được như mong ước, song khi vào học hệ 10+2, cô bị cuốn hút vào môi trường học tập mới và nhanh chóng quên đi nỗi buồn.
Năm 1981, với tấm bằng tốt nghiệp loại khá trên tay, cô được phân công về thị xã Cam Đường, dạy ở Trường Phổ thông cơ sở xã Nam Cường. Thời điểm đó, trường còn nghèo nàn lắm. Sự học ở thị xã miền núi bé nhỏ này cũng chưa được coi trọng. Cha mẹ còn lo kiếm ăn chống lại cái đói, cái nghèo, học trò chán học bởi học chẳng ra gạo, ra sắn, khoai. Bằng vốn kiến thức tích lũy được và sự tâm huyết với nghề, cô đã dần truyền lửa học tập cho người dân nơi đây. Học trò dần yêu trường lớp, kính trọng thầy cô, yêu trang giấy trắng. Chưa hết thời gian tập sự, cô đã được nhà trường cử tham gia hội giảng. Cô bối rối, lo lắng, song được sự động viên, khích lệ của hiệu trưởng và các đồng nghiệp đi trước, với bản lĩnh, nghị lực sẵn có, cô đã đạt điểm giỏi xuất sắc, đem lại vinh dự cho bản thân và nhà trường.
Năm 1982, cô lập gia đình; chồng cô cũng là giáo viên tiểu học; 3 đứa con lần lượt ra đời. Với đồng lương ít ỏi, hai vợ chồng phải tằn tiện lắm mới đủ lo cho các con ngày 2 bữa cơm độn sắn, độn bo bo. Các con cô đều ngoan ngoãn, học giỏi. Hạnh phúc gia đình cùng với niềm vui công việc đã giúp cô liên tục đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp thị xã (tương đương với danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở bây giờ).
Đến tháng 8/1989, cô được đề bạt làm Phó hiệu trưởng nhà trường. Năm 1991, cô về làm Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông cơ sở xã Bắc Cường (Trường Phổ thông cơ sở xã Nam Cường tách thành hai: Trường PTCS Nam Cường và  PTCS Bắc Cường). Sau một năm, tháng 8/1992, cô được chuyển về làm Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông cơ sở Cốc Lếu (nay là Trường Tiểu học Kim Đồng). Sau đó mấy tháng, cô được tín nhiệm giao trọng trách làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cốc Lếu (Kim Đồng).
 
Năm 2002, cô được điều động về làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám, ngôi trường có số lượng học sinh đông nhất thành phố. Với cương vị là người đứng đầu, chèo lái, cô tiếp tục dự án Việt – Bỉ giúp giáo viên có cơ hội tiếp cận với các phương pháp giáo dục, kỹ thuật dạy học hiện đại, tiên tiến. Từ thời điểm đó, giáo viên nhà trường đã tiên phong trong việc dùng băng đĩa hình, video, máy chiếu orerheod, projector trong giảng dạy. Cô cũng là người tiên phong trong việc lập đội tuyển, bồi dưỡng và đăng cai tổ chức thi Văn, Toán Tuổi thơ cấp thành phố – một sân chơi trí tuệ bổ ích và đem về cho Lào Cai nhiều giải cao. Dưới sự chỉ đạo của cô, trường cũng xây dựng thành công Thư viện thân thiện với hàng nghìn đầu sách, góc đọc được trang trí đẹp mắt, sắp xếp khoa học, đưa lượt đọc của học sinh hàng năm lên đến chục nghìn lượt. Ngày Hội sách đầu tiên do cô và tập thể nhà trường chung tay tổ chức với màn tái hiện nhân vật lịch sử đã ghi sâu trong tâm trí bao thế hệ thầy cô và học trò, tạo nên phong trào xây dựng thư viện thân thiện, tổ chức ngày hội sách ở các trường học trên địa bàn toàn tỉnh sau này. Công việc quản lý bộn bề, song cô vẫn trực tiếp tham gia giảng dạy, bồi dưỡng học sinh mũi nhọn môn Tiếng Việt, tham gia lao động xây dựng cơ sở vật chất cùng anh chị em cán bộ, giáo viên. Cô luôn là trung tâm của sự đoàn kết trong nhà trường.
Với những nỗ lực, cố gắng không ngừng của cô và tập thể nhà trường, trong những năm cô chèo lái, Trường Tiểu học Lê Văn Tám luôn lọt vào tốp những trường dẫn đầu của ngành giáo dục thành phố, là địa chỉ tin cậy của các thế hệ học sinh.


                         Lễ tri ân học sinh khối lớp 5 năm học 2010 – 2011

 
Không có vinh hạnh được công tác cùng nữ nhà giáo năng động, sáng tạo, tận tụy với nghề nhưng trong tôi, cô mãi là một nhà quản lý giáo dục có tâm, có tầm. Sau quá trình phấn đấu, cống hiến không mệt mỏi, cô đã được nghỉ hưu theo chế độ. Dịp Kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Trường Tiểu học Lê Văn Tám, cô trở về trường với vai trò là người cố vấn tin cậy, cùng với tập thể, cán bộ, giáo viên, nhân viên chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho ngày lễ trọng đại. Vẫn hăng say, trách nhiệm, vẫn luôn đăm đắm với sự phát triển của nhà trường, cô đã tạo cho chúng tôi niềm tin yêu, tình cảm ấm áp, gần gũi, dung dị. Chúng tôi, lớp giáo viên đến sau sẽ cố gắng tiếp nối truyền thống của nhà trường, cố gắng noi theo chị một tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác. Và trong trái tim tôi mãi khắc sâu hình ảnh của cô giáo Triệu Thị Trà – người chị của tôi!
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *