GIÁO DỤC THÀNH PHỐ LÀO CAI 20 NĂM, MỘT CHẶNG ĐƯỜNG

64 lượt xem
GIÁO DỤC THÀNH PHỐ LÀO CAI 20 NĂM, MỘT CHẶNG ĐƯỜNG 
 

             Cùng với những thành tựu về kinh tế-xã hội của thành phố Lào Cai, sau 20 năm tái lập thị xã tỉnh lỵ, ngành giáo dục và đào tạo thành phố Lào Cai đã đạt được những kết quả đáng khích lệ góp phần thay đổi diện mạo và khẳng định vị thế của thành phố biên giới phía Bắc – trung tâm văn hóa chính trị của tỉnh Lào Cai.
Quyết định tách tỉnh Lào Cai từ tỉnh Hoàng Liên Sơn tháng 9/1991 và tái lập thị xã Lào Cai ngày 01/9/1992 đã đánh dấu một chặng đường mới của giáo dục Lào Cai, trong đó có giáo dục của một thị xã tỉnh lỵ. Trong bộn bề khó khăn của một tỉnh, một thị xã mới tái lập, dân cư chưa ổn định, điều kiện cơ sở vật chất gặp nhiều khó khăn, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành giáo dục tỉnh Lào Cai nói chung và ngành giáo dục thị xã Lào Cai nói riêng là làm sao xây dựng hệ thống các trường học đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn, tạo nền tảng cho sự phát triển của trung tâm văn hóa, chính trị tỉnh nhà.
Trước những khó khăn chồng chất của một vùng biên cương với cơ sở vật chất  đã bị chiến tranh tàn phá đến hoang tàn, các đơn vị hành chính từ tỉnh đến huyện và đặc biệt là thị xã trung tâm tỉnh lỵ có thể nói phải bắt đầu từ con số 0 đã khiến cho những người con của quê hương Lào Cai, những thầy giáo, cô giáo không khỏi băn khoăn, lo lắng. Song với lòng nhiệt huyết, với tinh thần trách nhiệm mà đảng và nhân dân giao phó, ngành giáo dục và đào tạo thị xã Lào Cai đã nỗ lực cố gắng hết mình góp phần vào những thành tựu về kinh tế xã hội của quê hương Lào Cai.
Tháng 4/2002 cùng với sự sáp nhập 2 thị xã, đã sáp nhập Phòng Giáo dục thị xã Lào Cai với Phòng GD&ĐT thị xã Cam Đường thành Phòng GD&ĐT thị xã Lào Cai. Như vậy những thành tựu mà ngành giáo dục thành phố Lào Cai đạt được là sự hợp sức chung của 2 thị xã.
Những ngày đầu mới tái lập tỉnh lị, ngành giáo dục và đào tạo thị xã Cam Đường chỉ có 20 trường TH, PTCS  với khoảng hơn 3000 học sinh. Còn với thị xã Lào Cai, cùng với bộ máy chính quyền dần được hình thành, ngành giáo dục cũng được tái lập trên cơ sở ba trường PTCS Đồng Tuyển, Bắc Cường (thuộc phòng GD&ĐT Cam Đường), THCS Vạn Hòa (trực thuộc phòng GD&ĐT Bảo Thắng) với hơn 700 học sinh. Tháng 11/1992, trường học đầu tiên tại trung tâm thị xã được tái lập đó là trường PTCS Cốc Lếu với 5 lớp gần 190 học sinh tiểu học và 16 học sinh THCS. Năm học 1992-1993, toàn thị xã mới có 6 trường PTCS với 77 lớp 1510 học sinh. Đến năm học 1994-1995, thị xã đã có 21 trường với hơn 10.000 học sinh, chưa kể học sinh trung học phổ thông. Tỷ lệ huy động và duy trì học sinh trong độ tuổi PCGDTH luôn đạt trên 95%. Công tác phổ cập và xóa mù đã được Thị ủy, UBND thị xã quan tâm đúng mức; các phường xã tích cực điều tra phổ cập và tổ chức các lớp xóa mùc chữ. Thị xã Lào Cai đạt chuẩn PCGDTH-CMC vào tháng 8/1996; thị xã Cam Đường đạt chuẩn PCGDTH-CMC vào tháng 12/1997. Bên cạnh công tác PCGD, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu được các nhà trường quan tâm đầu tư. Năm học 1996-1997, cả 2 thị xã đã có 15  học sinh đạt giải quốc gia (TH 7: THCS 8). Năm học 1997-1998, có 30 học sinh đạt giải quốc gia.  

Trường THCS Lê Quý Đôn năm học 1997-1998
Trường THCS Lê Quý Đôn năm học 1997-1998
 

Trường THCS Lê Quý Đôn năm học 2011-2012

 

Trong những năm 1992 – 2000, công tác văn hóa xã hội của thị xã Lào Cai có bước phát triển vượt bậc. Sự nghiệp giáo dục đào tạo thị xã đã bám sát các mục tiêu của Nghị quyết Trung ương 2 về giáo dục và đào tạo. Liên tục các năm đều được ngành GD&ĐT tỉnh xếp vào loại khá so với các huyện, thị xã trong tỉnh. Cơ sở vật chất phục vụ dạy và học không ngừng được xây dựng, từ năm 1996 – 2000 đã xây dựng được 174 phòng học, trong đó có 90 phòng học xây kiên cố theo tiêu chuẩn cấp III và 80 phòng học xây cấp IV. Chất lượng các bậc học được nâng lên rõ rệt. Phong trào thi đua “Hai tốt” trong các nhà trường được đẩy mạnh và ngày càng phát huy tác dụng. Công tác đào tạo có tiến bộ, với phương châm đa dạng hóa các loại hình đào tạo và đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục đã mạng lại hiệu quả thiết thực. Số học sinh đến trường ngày càng tăng, năm học 1999-2000 đã huy động 99,1% học sinh trong độ tuổi ra lớp, số học sinh từ 5-14 tuổi ra lớp tăng 30% so với năm học 1992 – 1993. Tỷ lệ huy động học sinh đến trường bậc Tiểu học đạt 98%. Năm 1996 các phường của thị xã hoàn thành PCGDTH, năm 2000 hoàn thành PCGD THCS. Chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ tốt nghiệp hàng năm đạt từ 84-94%. Như vậy cùng với sự trưởng thành đi lên của thị xã, sau gần 10 năm tái lập (1992-2002), sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo thị xã có những bước phát triển vượt bậc. Toàn thị xã đã có 48 trường với hơn 19.000 học sinh, ngoài ra còn 4 trường THPT, 2 trung tâm GDTX với hơn 4.000 học sinh. Quy mô giáo dục phát triển tương đối hợp lí ở các cấp học, ngành học, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của con em nhân dân. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao, thị xã đã hoàn thành PCGDTH-chống mù chữ và PCGDTHCS.
Và cứ thế, cùng với tốc độ phát triển mạnh mẽ của các lĩnh vực kinh tế – xã hội và sự gia tăng dân số cơ học, ngành GD của thị xã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng ở tất cả các bậc học. Trong giai đoạn 2002-2012, toàn ngành đã thực hiện song hành và thành công cả 2 mục tiêu: Phát triển quy mô trường lớp, đạt chuẩn PCGDTHĐĐT, PCGDTHCS, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng chính quyền; sự phối kết hợp chặt chẽ của các ban ngành đoàn thể và các bậc cha mẹ học sinh; đặc biệt là sự nỗ lực, kiên trì và tinh thần vượt khó của đội ngũ cán bộ giáo viên trong thực hiện những chủ trương đổi mới, thành phố Lào Cai đã được tỉnh công nhận đạt chuẩn PCGDTHĐĐT năm 2005 và đạt chuẩn PCGDTHCS năm 2007, tạo nền tảng vững chắc để nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Hệ thống giáo dục đã hoàn thiện và phát triển từ mầm non đến phổ thông. Toàn thành phố đã có 66 trường (MN: 26, TH: 20, THCS: 17; TH&THCS: 3) với 22.319 học sinh, cùng 4 trường THPT với gần 4000 học sinh và 2 trung tâm GDTX, một trung tâm Hướng nghiệp – dạy nghề, một trường THPT chuyên của tỉnh đã góp phần rất lớn vào việc phát triển sự nghiệp giáo dục của thành phố. Công tác đầu tư xây dựng trường chuẩn Quốc gia được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm, đến năm 2012 thành phố đã được công nhận 26 trường đạt chuẩn quốc gia (MN 5, TH 13, THCS 8), đặc biệt có 02 trường MN và 02 trường TH đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Có 26 trường có thư viện chuẩn (TH: 15, THCS: 11) và các trường THPT số 1, số 2, số 3 cũng đã đạt chuẩn. Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường nay đã đạt 99.53%. Các hoạt động nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo (đặc biệt là hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục kĩ năng sống cho học sinh và công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu và phụ đạo học sinh yếu kém) được triển khai thực hiện đồng bộ, đa dạng, tích cực. Giáo dục vùng cao được đặc biệt quan tâm; tổ chức tốt mô hình nội trú dân nuôi ở các trường thuộc xã Tả Phời; khoảng cách chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa vùng thuận lợi với vùng khó khăn được rút ngắn đáng kể. Vì vậy, nhiều năm liên tục trở lại đây ngành đã được Sở GD&ĐT tặng giấy khen; đặc biệt, tháng 11/2011 ngành giáo dục và đào tạo thành phố đã vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng chính phủ. Các hình thức học tập khác được phát triển đa dạng tại các Trung tâm GDTX, trung tâm học tập cộng đồng đáp ứng được hầu hết nhu cầu cập nhật, nâng cao kiến thức văn hóa, nghề nghiệp cho mọi người dân. Hàng năm, có trên 99,86% người từ 15 đến 35 tuổi biết chữ, tỷ lệ người lao động qua đào tạo chiếm 50% tổng số lao động.
 

Đội ngũ cán bộ, giáo viên cơ bản đảm bảo về tỷ lệ và cơ cấu bộ môn, đã đáp ứng được yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục, vững vàng về tư tưởng, ổn định về số lượng. Toàn thành phố hiện có 1331 CBQL,  giáo viên và nhân viên. Tỷ lệ nhà giáo đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo chiếm tỷ lệ cao 100% ở cả 3 cấp học (trong đó trên chuẩn 60%).
 

Hội thi làm đồ dùng dạy học

 
Các cuộc vận động như : Cuộc vận động “Hai không”, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, cuộc vận động “Dân chủ – kỷ cương – tình thương – trách nhiệm” và các phong trào thi đua đã được các nhà trường hưởng ứng tích cực và có tác dụng thiết thực trong việc nâng cao nhận thức, đạo đức nhà giáo và chất lượng giảng dạy.
Chất lượng giáo dục toàn diện liên tục được nâng lên và ngày càng vững chắc hơn.  tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6, tốt nghiệp THCS hằng năm ổn định và đạt ở mức cao; số học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt và  học lực  khá, giỏi tăng dần qua các năm. Nhiều học sinh đạt thành tích cao trong các kỳ giao lưu, các kì  thi cấp Quốc gia và khu vực. Số học sinh đạt giải học sinh giỏi qua các kỳ thi cấp tăng cả về số lượng và chất lượng. Riêng năm học 2011-2012 số lượng học sinh đạt giải các cấp là 1596 tăng gấp 9,3 lần so với năm học 2001-2002 và gần 80 lần so với ngày tái lập thị xã.

 
Nhiều trường học, nhiều hoạt động giáo dục của thành phố đã được các địa phương trên cả nước biết đến và nơi đây cũng là một địa chỉ đáng tự hào để các đơn vị giáo dục trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trao đổi kinh nghiệm.

 
Tuy vậy, trước những yêu cầu ngày càng cao của một xã hội văn minh, hiện đại trong thời kỳ hội nhập, đòi hỏi sự nghiệp trồng người của thành phố phải không ngừng đổi mới, cập nhật thường xuyên tri thức hiện đại, phát huy bề dày truyền thống, vượt qua những thách thức mới để vươn lên khẳng định vai trò của mình, xứng đáng với tầm vóc của một thành phố nơi biên cương của Tổ quốc.
Quang cảnh trường lớp xanh – sạch – đẹp
 
Nhìn lại chặng đường 20 năm tái lập đô thị tỉnh lỵ, song hành với sự đổi thay đến chóng mặt của một thành phố trẻ trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội, sự nghiệp giáo dục đã vươn lên khẳng định vị thế của mình với những thành quả đáng ghi nhận. Đó là quãng thời gian hết sức ý nghĩa mà ngành giáo dục và đào tạo nói riêng, nhân dân các dân tộc thành phố phố Lào Cai nói chung đã nỗ lực cố gắng không ngừng vì sự đổi thay của quê hương. Dẫu còn nhiều khó khăn, song với sự quyết tâm cao, sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo thành phố Lào Cai đang hứa hẹn những thành tựu rực rỡ hơn nữa.
Chỉ tính từ năm học 2006-2007 đến năm học 2011-2012, thành tích tập thể, cá nhân của toàn ngành:
– Danh hiệu LĐTT: 153 lượt tập thể và 2623 lượt cá nhân
– Danh hiệu CSTĐ cơ sở: 789 lượt cá nhân.
– Danh hiệu CSTĐ tỉnh: 13 cá nhân
– Tập thể Lao động xuất sắc: 33
– Cờ thi đua của UBND tỉnh: 06 tập thể
– BK Chủ tịch UBND tỉnh: 18 tập thể, 106 cá nhân
– Bằng khen Bộ GD: 02 cá nhân
– Bằng khen Thủ tướng Chính phủ: 1 tập thể, 07 cá nhân
– Huân chương Lao động hạng Ba: 2 cá nhân
– Huân chương Lao động hạng Nhì: 1 tập thể

 
 
 
GIỚI THIỆU 
PHÓNG SỰ GIÁO DỤC THÀNH PHỐ LÀO CAI – MỘT CHẶNG ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN
 
PHÓNG SỰ DO ĐÀI TRUYỀN THANH – TRUYỀN HÌNH THÀNH PHỐ THỰC HIÊN
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *