Những dấu hiệu đặc trưng của phương pháp dạy học theo mô hình VNEN

70 lượt xem
Những dấu hiệu đặc trưng của phương pháp dạy học theo
 mô hình VNEN

 

          Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, sự thách thức trên đường tiến vào thế kỉ XXI  bằng đua tranh trí tuệ đang đòi hỏi đổi mới giáo dục, trong đó có sự đổi mới căn bản về phương pháp dạy học nhằm đào tạo lớp người mới năng động, sáng tạo, đủ sức giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực tiễn phát triển của đất nước. Trong bối cảnh như vậy sẽ có những thuận lợi để phương pháp dạy học tích cực được phát triển nhanh chóng. Phương pháp dạy học theo mô hình VNEN sẽ đáp ứng yêu cầu đòi hỏi đó.
Phương pháp dạy học theo mô hình VNEN là cách dạy hướng tới việc học tập chủ động, chống lại thói quen học tập thụ động. “Tích cực” trong phương pháp đựơc dùng với nghĩa chủ động hoạt động, trái nghĩa với bị động, chứ không dùng theo trái nghĩa với tiêu cực. Mô hình VNEN đòi hỏi phát huy tính tích cực của cả người dạy và người học. Thực chất phương pháp này đòi hỏi người dạy phải phát huy tính tích cực chủ động của người học. Phương pháp dạy học theo mô hình VNEN thể hiện ở các dấu hiệu đặc trưng sau:
1. Dạy học thông qua tổ chức các hoạt động của học sinh
Nhân cách của trẻ được hình thành và phát triển thông qua các hoạt động chủ động, thông qua các hành động có ý thức. Trí tuệ của trẻ được phát triển nhờ sự “đối thoại” giữa chủ thể với đối tượng và môi trường. Trong mô hình VNEN, học sinh – chủ thể của hoạt động học tập do giáo viên tổ chức và chỉ đạo, thông qua đó tự lực khám phá những điều mình chưa biết chứ không phải là thụ động tiếp thu những tri thức đã được sắp đặt sẵn. Học sinh được đặt vào những tình huống của đời sống thực tế, trực tiếp quan sát, làm thí nghiệm, thảo luận, giải quyết vấn đề đặt ra theo suy nghĩ cá nhân, từ đó vừa nắm được kiến thức mới, kĩ năng mới vừa được bộc lộ và phát huy tiềm năng sáng tạo của mình.
2. Dạy học chú trọng rèn luyện phương pháp tự học
Dạy học theo mô hình VNEN xem việc rèn luyện phương pháp học tập cho học sinh không chỉ là một biện pháp nâng cao hiệu quả dạy học mà còn là một mục tiêu dạy học. Đã có nhiều tác giả nói đến việc dạy phương pháp tự học cho học sinh.  Trong bài viết Hai vấn đề then chốt của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam, tác giả Vũ Ngọc Hoàng – Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đã viết “Thầy giáo không phải chủ yếu là người truyền thụ tất cả kiến thức của mình có cho người học mà chỉ nên giới thiệu những giá trị cốt lõi, còn lại chủ yếu là gợi mở, giúp cách học, cách tiếp cận, cách phân tích và tổng hợp, giải quyết vấn đề, nhằm phát triển năng lực. Thầy giáo bây giờ không phải là thầy dạy mà là thầy về cách học, cách tiếp cận vấn đề, là người giúp các em biết cách học mới, cách tự học, tổ chức việc học cho các em…”. Desterwerg đã viết “Người thầy giáo tồi truyền đạt chân lý, người thầy giáo giỏi dạy cách tìm ra chân lý”.
Trong xã hội đang biến đổi nhanh, với sự bùng nổ thông tin, khoa học và công nghệ phát triển như vũ bão thì việc dạy phương pháp học phải được quan tâm ngay từ đầu bậc tiểu học và càng lên bậc cao hơn càng được coi trọng. Đây là bước hữu hiệu để chuẩn bị cho lớp người kế tục thích ứng với xã hội học tập, trong đó mỗi người phải có năng lực học tập liên tục, suốt đời.
Trong phương pháp học thì cốt lõi là phương pháp tự học. Phương pháp tự học là cầu nối giữa học tập và nghiên cứu khoa học. Nếu rèn luyện cho học sinh có được phương pháp, kĩ năng, thói quen tự học, biết vận dụng linh hoạt những điều đã học vào những tình huống mới, biết tự lực phát hiện, đặt ra và giải quyết những vấn đề gặp phải trong thực tiễn thì sẽ tạo cho các em lòng ham học, khơi dậy tiềm năng vốn có của các em. Vì những lẽ đó, mô hình VNEN nhấn mạnh dạy phương pháp học trong quá trình dạy học, cố gắng tạo ra sự chuyển biến từ học tập thụ động sang tự học chủ động.
3. Tăng cường học tập cá thể, phối hợp với học tập hợp tác
Trong học tập, không phải mọi tri thức, kĩ năng, thái độ đều được hình thành bằng những hoạt động thuần tuý cá nhân. Lớp học là môi trường giao tiếp thầy- trò, trò – trò, tạo nên mối quan hệ hợp tác giữa các cá nhân trên con đường đi tới những tri thức mới. Trong phương pháp học tập hợp tác vẫn có giao tiếp thầy – trò nhưng nổi lên mối quan hệ trò – trò. Thông qua sự hợp tác tìm tòi nghiên cứu, thảo luận, tranh luận trong tập thể, ý kiến của mỗi cá nhân được bộc lộ, được điều chỉnh khẳng định hay bác bỏ, qua đó người học nâng mình lên một trình độ mới, bài học vận dụng được vốn hiểu biết và kinh nghiệm của mỗi cá nhân và cả lớp.
 
         Nhóm học tập là đặc trưng của lớp học VNEN. Mọi hoạt động học hầu như diễn ra ở nhóm. Mỗi nhóm học tập có từ 4 đến 6 học sinh, chia thành 2 hoặc 3 cặp đôi. Nhóm trưởng là  người nhận nhiệm vụ từ giáo viên, điều hành hoạt động của nhóm và báo cáo kết quả học tập của nhóm với giáo viên. Nói là hoạt động nhóm nhưng: Trước hết học sinh phải tự học, thông qua tự trải nghiệm, khám phá, nghiên cứu tài liệu để có được những hiểu biết cá nhân về việc học tập; Sau nghiên cứu cá nhân là chia sẻ trong cặp đôi. Học sinh có thể đổi vở để kiểm tra bài làm của bạn; nói cách nghĩ, cách làm bài cho bạn nghe; tiếp thu góp ý của bạn; điều chỉnh ý kiến, kết quả của mình. Chia sẻ trong cặp đôi giúp học sinh kiểm tra hiểu biết của bản thân, tiếp thu góp ý của bạn, bảo vệ chính kiến của mình giúp học sinh tiếp cận vấn đề theo những góc độ khác nhau.
          Trao đổi nhóm là cơ hội để mỗi cá nhân hoặc mỗi cặp báo cáo kết quả học tập. Sau khi chia sẻ trong cặp đôi, học sinh tự tin hơn khi báo cáo trước nhóm. Các thành viên trong nhóm nhận xét trình bày của bạn cũng là dịp thể hiện hiểu biết và ý kiến của mình về vấn đề học tập. Nguyên tắc hoạt động nhóm trong lớp học VNEN là tất cả mọi người được báo cáo, ai cũng được nhận xét, ai cũng tham gia vào công việc chung; không có người đứng ngoài, không có người làm thay việc của người khác.
          Học nhóm trong lớp học VNEN đòi hỏi tự giác của mỗi cá nhân, tự quản của tập thể nhóm. Tự học – chia sẻ cặp đôi – trao đổi nhóm là quy trình hoạt động nhóm trong lớp VNEN. Nhóm trưởng điều hành hoạt động nhóm theo hướng dẫn của giáo viên và sách hướng dẫn, lấy đồ dùng học tập, phổ biến yêu cầu học tập cho nhóm. Nhìn chung nhóm trưởng điều hành nhóm theo quy trình học nhóm: Cho từng cá nhân đọc nhẩm mục tiêu bài học. Mời một bạn đọc to mục tiêu bài học cho cả nhóm.Cho nhóm thực hiện hoạt động cơ bản.
Như vậy, trong hoạt động hợp tác, mục tiêu hoạt động là chung của toàn nhóm nhưng mỗi cá nhân được phân công một nhiệm vụ cụ thể. Trong nhóm nhỏ, mỗi cá nhân đều phải nỗ lực, không thể ỷ lại vào người khác, toàn nhóm phải phối hợp với nhau để cuối cùng đạt mục tiêu chung. Kết quả làm việc của từng nhóm được trình bày thảo luận trước lớp sẽ tạo một không khí thi đua giữa các nhóm, đóng góp tích cực vào kết quả chung của bài học.
Hoạt động trong tập thể nhóm làm cho từng thành viên được bộc lộ suy nghĩ, hiểu biết thái độ của mình, qua đó đựơc tập thể uốn nắn, điều chỉnh, phát triển tình bạn, ý thức tổ chức kỉ luật, tinh thần tương trợ, ý thức cộng đồng. Hoạt động trong tập thể nhóm, tập thể lớp sẽ làm cho từng thành viên quen dần với sự phân công hợp tác trong lao động xã hội, hiệu quả học tập sẽ tăng lên nhất là phải giải quyết những vấn đề gay cấn, lúc xuất hiện nhu cầu phối hợp giữa các cá nhân để hoàn thành một nhiệm vụ xác định. Mô hình trường học mới Việt Nam đưa vào đời sống học đường có tác dụng chuẩn bị cho học sinh thích ứng với đời sống xã hội, trong đó mỗi người sống và làm việc theo sự phân công hợp tác với tập thể cộng đồng. Trong xu hướng toàn cầu hoá, xuất hiện nhu cầu hợp tác xuyên quốc gia, liên quốc gia thì năng lực hợp tác thực sự trở thành một mục tiêu đào tạo của giáo dục nhà trường.
4. Kết hợp đánh giá của thầy với tự đánh giá của trò
Trong dạy học, việc đánh giá học sinh không chỉ nhằm mục đích nhận định thực trạng học tập để điều chỉnh họat động học của học trò mà còn đồng thời tạo điều kiện nhận định thực trạng dạy để điều chỉnh hoạt động dạy của thầy.
Trong mô hình VNEN, việc rèn luyện phương pháp học để chuẩn bị cho học sinh khả năng học tập liên tục, suốt đời được xem như một mục tiêu giáo dục thì giáo viên phải hướng dẫn học sinh phát triển khả năng tự đánh giá để tự điều chỉnh cách học. Liên quan tới điều này, giáo viên phải tạo điều kiện để học sinh tham gia đánh giá lẫn nhau. Việc học sinh tham gia đánh giá lẫn nhau sẽ có tác dụng tích cực để học sinh tự học và điều chỉnh bản thân.
          Theo hướng phát triển của mô hình VNEN là để đào tạo ra những con người năng động, sớm thích ứng với đời sống xã hội, hoà nhập và góp phần phát triển cộng đồng thì việc kiểm tra phải khuyến khích trí thông minh, sáng tạo, phát hiện sự chuyển biến thái độ và xu hướng hành vi của học sinh trước những vấn đề của đời sống cá nhân, gia đình và cộng đồng; rèn luyện cho các em khả năng phát hiện và vận dụng giải quyết các vấn đề nảy sinh trong các tình huống thực tế. Việc đổi mới kiểm tra đánh giá: Thầy đánh giá trò, trò tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau, đánh giá của nhà trường kết hợp với đánh giá của gia đình và của xã hội sẽ có tác dụng thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học.
Tóm lại, trong phương pháp dạy học theo mô hình VNEN, người được giáo dục trở thành người tự giáo dục, là nhân vật tự giác, chủ động có ý thức về sự giáo dục bản thân mình.

 
 

                                                         (Cao Thị Thanh Hân
                                           Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Lào Cai)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *