Người nhen ngọn lửa “Khơi nguồn yêu thương”

61 lượt xem

Tôi và cô vốn đã từng công tác cùng nhau ở một trường khó khăn của thành phố. Rồi như một cái duyên, sau hai năm, chúng tôi lại về chung một mái trường có bề dày truyền thống dạy tốt, học tốt. Ở đâu, cương vị nào, tôi vẫn thấy ở cô – một cô giáo trẻ, một nhà quản lý luôn cởi mở, chân thành, năng động và đầy nhiệt huyết. Và khi cùng cô xây dựng, thực hiện chương trình “Khơi nguồn yêu thương” dưới mái trường này, tôi càng ngưỡng mộ cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám, thành phố Lào Cai.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình công chức, bố là công an nhân dân, mẹ là nhân viên cửa hàng thương nghiệp thị xã Cam Đường, ngay từ nhỏ, Thu Hương đã thể hiện sự năng động nổi trội so với đám bạn cùng trang lứa. Với rổ bưởi nhỏ, Hương đã trở thành cô bé bán hàng ngay cổng nhà mình để lấy tiền giúp các bạn nghèo mua sách vở hay mua vài que kem nhỏ cùng lũ bạn xóm phố nhấm nháp những buổi trưa hè.
18 tuổi, Thu Hương bước chân vào cổng trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2; 28 tuổi cô đã là Phó Hiệu trưởng rồi Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tả Phời – một trường ở xã vùng cao của thành phố. Năng động, sáng tạo, cô Hương đã cùng tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên mang về cho trường nhiều thành tích xuất sắc. Nhiều năm trường đạt danh hiệu tập thể Lao động tiên tiến. Bản thân cô nhiều năm liên tục đạt Chiến sỹ thi đua cơ sở, được Liên đoàn Lao động tỉnh Lào Cai tặng Bằng khen.

 

                 

 

Cô Hương (ngoài cùng bên trái) trong buổi đấu giá cặp bánh Trung thu kỷ lục

Năm 2012, Nguyễn Thị Thu Hương về Trường Tiểu học Lê Văn Tám với vai trò Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn khối 4, 5, phụ trách cơ sở vật chất và công tác bồi dưỡng học sinh năng khiếu. Ngoài làm tốt nhiệm vụ được giao, cô còn luôn sáng tạo trong tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp của nhà trường. Trường đông học sinh, 1.307 em là 1.307 hoàn cảnh khác nhau. Có những em phải vật lộn với bệnh tật, ngày ngày cần mẫn đến trường. Thương các em, cô đã có sáng kiến và cùng Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức hoạt động giáo dục “Khơi nguồn yêu thương”.
Đây là hoạt động mới, mang tính giáo dục và giá trị nhân văn sâu sắc. Thế nhưng khi bắt đầu thực hiện dự án, Hương và đồng nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn. Không ít giáo viên và cha mẹ học sinh băn khoăn, lo lắng về việc các em sớm tiếp cận với đồng tiền, việc kinh doanh có ảnh hưởng tới tâm lý lứa tuổi, thời gian và chất lượng giáo dục các môn học khác… Bằng nhiệt huyết của tuổi 35, cùng những đêm trắng, Hương đã đề ra chiến lược tuyên truyền, tham mưu với Hiệu trưởng ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể, cách thức tài liệu hóa mô hình, thành lập Ban giám sát, xác định đối tượng tiêu thụ sản phẩm, cách thức tích hợp liên môn để đảm bảo thời gian thực hiện mô hình, công khai tài chính cũng như khách quan trong công tác thi đua khen thưởng. Những tràng pháo tay giòn giã, những ánh mắt sáng ngời nhìn cô đầy thán phục là minh chứng cho sự thành công bước đầu của cô khi buổi Hội thảo dự án kết thúc.
Vậy là hoạt động mang tính giáo dục và nhân văn sâu sắc đi vào hoạt động. Học sinh khối lớp 1 nhặt rau, tẽ ngô, đóng túi; các em khối 2 làm bánh trôi, bánh chay; lớp 3 lớn hơn học cách nấu xôi, làm chè; các anh chị lớp 4, 5 làm giá đỗ sạch, bánh Trung thu… Rất nhiều đơn đặt hàng từ cha mẹ, các trường trong thành phố, có những cha mẹ còn nhận đơn hàng giúp các con từ đơn vị mình công tác. Một sự lan tỏa đến bất ngờ! Nhưng cái được lớn nhất của hoạt động Khơi nguồn yêu thương là 100% các em tham gia chương trình được học qua trải nghiệm. Chính các em tự tính lượng bột, tỷ lệ nước, đường, gia vị, tính số lãi thu được khi làm bánh Trung thu; tự tay làm giá đỗ cung cấp cho bữa ăn bán trú tại trường. Nhiều em nắm chắc quy trình và đã tự làm được giá đỗ sạch cung cấp cho bữa ăn gia đình. Các em còn được giải các bài toán liên quan đến trải nghiệm, nâng cao kỹ năng hợp tác nhóm, chiến lược kinh doanh và yêu lao động.
Nhưng ngọn lửa yêu thương chỉ thực sự được  nhen lên trong các em khi số tiền thu được từ hoạt động này được chuyển tới tận tay các em mắc bệnh hiểm nghèo. Tổng kết mô hình “Khởi nghiệp – Khơi nguồn yêu thương” năm học 2017 – 2018, cô cùng nhà trường đã trao tặng 54 triệu đồng cho 13 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Em Chảo Duy Tuấn bị mắc bệnh máu trắng, được tặng 10 triệu đồng. Em Phạm Như Quỳnh bị mắc bệnh bóng bì, toàn thân phồng rộp, được tặng 7 triệu đồng. Em Giàng Ly, dân tộc Mông bị bố mẹ bỏ rơi, em lớn lên trong sự đùm bọc, yêu thương của bà con trong bản và thầy cô giáo, được hỗ trợ một sổ tiết kiệm 7 triệu đồng. Rưng rưng nước mắt, cô giáo chủ nhiệm của em Giàng Ly nói với tôi: “Số tiền này rất thiết thực đối với em Ly và các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác. Đây là hoạt động cần được nhân rộng và duy trì để các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được nâng bước tới trường”.
Niềm vui nhân lên gấp bội khi Sáng kiến “Hoạt động giáo dục Khơi nguồn yêu thương” của nhà trường được công nhận cấp tỉnh. Như được tiếp thêm lửa, Hương lại cùng chúng tôi nhân rộng mô hình ở các trường trong và ngoài thành phố. Những chuyến đi tới Trường TH&THCS số 1 Tả Phời, Tiểu học Hoàng Thu Phố (Bắc Hà), Tiểu học Khánh Yên Trung (Văn Bàn)  để hướng dẫn kĩ thuật làm bánh Trung thu, làm giá đỗ, rau mầm, tặng quà… thực sự đã là những kỷ niệm khó quên đối với các em học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Tám. Không dừng ở đó, cuối năm 2018, cô Phó hiệu trưởng sáng tạo, tận tâm này lại cùng với các cộng sự của mình thực hiện thành công việc đăng ký công nhận sản phẩm rau mầm và giá đỗ sạch là sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có tem truy xuất nguồn gốc do Phòng Kinh tế thành phố Lào Cai cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.


 

Nhìn cô say sưa cùng mọi người làm việc, trong tôi trào dâng sự thán phục xen lẫn tự hào khi được làm việc cùng cô – một người em, một người quản lý đầy nhiệt huyết. Vất vả là vậy nhưng khi được hỏi đến, cô Hương chỉ mỉm cười khiêm tốn chia sẻ: “Việc nhân lên truyền thống “Lá lành đùm lá rách”, thêm yêu lao động và đặc biệt là việc “Khởi nghiệp” để các em biết trân quý lao động, quý trọng đồng tiền, sống có lý tưởng và biết sẻ chia đó mới chính là mục tiêu hướng tới của mô hình”.
Hăng say, năng động trong công việc là vậy nhưng trong cuộc sống Hương lại là người cởi mở, chân thành, thẳng thắn. Tôi thích cách cô trao đổi chuyên môn, động viên mọi người làm việc. Với tôi, cô như là một người “nhạc trưởng” tấu lên bản nhạc “Khơi nguồn yêu thương” và cũng là người thắp sáng lên trong tôi và các đồng nghiệp lòng yêu nghề, yêu trường Lê Văn Tám thân thương này. Cô – Phó hiệu trưởng năng động, tận tâm chính là một trong những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học theo Bác để mọi người noi theo.
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *