Có một cô thuyền trưởng như thế!

57 lượt xem

Trong cuộc sống chúng ta đã từng gặp gỡ và làm việc với rất nhiều người. Có những người chỉ gặp một lần nhưng đã cho chúng ta những ấn tượng thật sâu sắc. Và cô là một người như thế – một người đã để lại trong tôi một tình cảm đặc biệt ngay từ lần gặp đầu tiên trong một cuộc tập huấn cấp tỉnh, khi đó tôi còn công tác ở huyện Bảo Yên. Cô giáo Ngô Thị Thanh Nga – Hiệu trưởng trường TH Lê Văn Tám – TP Lào Cai – tỉnh Lào Cai. Từ lần gặp gỡ ấy tôi bắt đầu tìm hiểu về cô, được nghe đồng nghiệp, phụ huynh kể về cô Nga rất nhiều. Tôi luôn mong muốn có cơ hội được làm việc cùng cô. Rồi cuối cùng may mắn cũng mỉm cười với tôi, tôi được chuyển công tác lên TP Lào Cai và được về làm việc tại trường TH Lê Văn Tám, từ đó ngày nào tôi cũng được gặp cô và có nhiều dịp được làm việc, tâm sự cùng cô. Qua những buổi làm việc và tâm sự tôi thấy càng cảm phục và yêu mến cô nhiều lần hơn thế. Tôi thường gọi cô là “Nữ thuyền trưởng”.


 
 

Tôi được biết, sau khi tốt nghiệp Trường Trung học Sư phạm Nghĩa Lộ – Hoàng Liên Sơn năm 1984, cô Ngô Thị Thanh Nga tự nguyện nhận công tác tại điểm trường lẻ Đạo Ngẫu – xã Xuân Hòa – huyện Bảo Yên – tỉnh Lào Cai, cách nhà cô hơn hai chục km. Nơi đây heo hút, đường xá lúc đó đi lại hết sức khó khăn, ánh sáng sử dụng ánh sáng đèn dầu, điểm trường có 5 lớp mà chỉ có 2 giáo viên nhưng một cô giáo nghỉ ốm dài hạn. Học sinh ở điểm trường lẻ hầu hết là người dân tộc Mông, Dao. Nhà các em ở rất xa, có nhiều em đi bộ từ nhà đến trường mất hơn một giờ đồng hồ vì các gia đình ở rải rác khắp các sườn đồi, sườn núi. Đa số phụ huynh đều không biết chữ và việc giao tiếp bằng tiếng Việt cũng hết sức khó khăn. Do trình độ dân trí còn thấp, cuộc sống nghèo khổ khiến việc học hành cũng trở nên khó khăn hơn. Chính bởi vậy, bên cạnh công tác giáo dục, cô thường xuyên phải đến nhà học sinh vận động các em ra lớp. Cô thương trò phải đi hàng giờ mới đến được điểm trường để học con chữ, cô bàn với phụ huynh cho các con ở lại trường cùng cô mỗi tuần về nhà một lần. Cô và trò cùng nhau trồng rau, trồng lạc để cung cấp cho bữa ăn hàng ngày. Cô hài hước chia sẻ: “Thỉnh thoảng đi bộ về phố mua tem phiếu, mỗi lần về mua được mấy lạng thịt cô trò kho thật mặn rồi để đó ăn dần là thấy khoái lắm rồi”. Mỗi lần đi bộ về phố rồi trở lại trường là mỗi lần bàn chân cô đau buốt, lưng tê cứng, hằn vết trên vai vì đường xa gập ghềnh, ba lô trên vai lại nặng trĩu những trang giáo án, sách tham khảo, rồi rau, lạc, muối, đồ khô làm thức ăn để cô trò cải thiện…
Thấy con gái vất vả, một mình phải chống chịu nơi rừng thiêng nước độc, bố mẹ cô thương con muốn xin cho cô được về gần nhà để thuận lợi hơn nhưng cô Nga không đồng ý. Cô giáo trẻ luôn nghĩ mình còn trẻ, khỏe, cô cần góp sức cống hiến cho xã hội, ngành giáo dục và điều quan trọng là cô không muốn rời xa “những đứa con” của mình. Rồi, những ngày tháng đó cũng qua đi như một cơn gió, cô giáo trẻ chưa bao giờ cảm thấy mình vất vả, ngược lại cô còn cảm thấy hạnh phúc vì mình đã chọn được con đường đi đúng đắn, hạnh phúc vì được ở bên “những đứa con đầu lòng”.
Gắn bó với mảnh đất Bảo Yên 11 năm, do điều kiện gia đình nên cô chuyển theo chồng về Thị xã Lào Cai và được điều động về trường cấp I Kim Tân, thị xã Lào Cai. Xa rồi nhưng hình ảnh những đứa trẻ lúc nào cũng còn vẹn nguyên trong kí ức của người giáo viên trẻ, cô vẫn luôn theo dõi các con trên bước đường đi của chúng.
Chuyển đến ngôi trường mới, ngôi trường đầu tiên của tỉnh Lào Cai đạt chuẩn Quốc Gia tuy nhiên còn rất nhiều khó khăn đặc biệt là cơ sở vật chất. Đây là một thử thách lớn đối với cô, nhưng cô nói với tôi cô luôn tâm niệm “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”. Cô quyết tâm học hỏi, nỗ lực cống hiến hết mình cho ngôi trường mới. Trong khoảng thời gian từ năm 1998 đến năm 2002 cô làm công tác giáo viên chủ nhiệm cô luôn nỗ lực phấn đấu, tích cực học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn và tích lũy kinh nghiệm để mỗi khi đứng trên bục giảng có thể truyền kiến thức cũng như truyền “lửa” cho các em học sinh. Cô xác định “trình độ chuyên môn vững vàng và lòng yêu trẻ là điều cần nhất của người giáo viên”, bởi lẽ đó cô thường xuyên ý thức tìm tòi các phương pháp mới trong giảng dạy đặc biệt là trong công tác bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi. Các phương pháp của cô luôn khơi gợi cho học sinh sự sáng tạo, tự học hỏi, tự chiếm lĩnh kiến thức, nhờ đó các em ghi nhớ kiến thức sâu hơn. Những tiết học của cô thu hút được sự hứng thú đam mê học tập của học trò. Cô được Ban giám hiệu tin tưởng giao nhiệm vụ làm tổ trưởng chuyên môn, bồi dưỡng học sinh giỏi. Mỗi lứa học sinh giỏi được cô bồi dưỡng tham gia thi các cấp đều đạt giải cao. Từ năm 1993 đến năm 2004, cô liên tục được công nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh, 9 năm liên tục đạt Chiến sỹ thi đua cơ sở, 3 lần đạt chiến sĩ thi đua cấp tỉnh (Từ năm 2004 đến năm 2013).


Cô Nga chụp ảnh lưu niệm với phụ huynh và học sinh giỏi năm 1997

Cô và em Hoàng Gia Bảo đạt Huy chương vàng Toán tuổi thơ do cô bồi dưỡng

Đoàn học sinh đạt giải cấp Quốc gia năm 2010

Ở cương vị công tác của mình lúc nào cô cũng được học sinh thương yêu, đồng nghiệp nể trọng, phụ huynh tin tưởng tuyệt đối khi gửi gắm con em ở nơi cô. Cô là giáo viên có công lớn trong phong trào thi đua  “Dạy tốt, học tốt” của nhà trường của nhà trường.  
Năm học 2001 – 2002 cô giáo Ngô Thị Thanh Nga được bổ nhiệm chức vụ Phó Hiệu trưởng; Với nhiệm vụ mới, cô Nga cùng tập thể sư phạm nhà trường có nhiều giải pháp đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, sáng tạo, đổi mới các phương pháp dạy học tích cực. Nhờ đó nhà trường luôn nằm trong top những trường mạnh nhất tỉnh về số lượng học sinh giỏi các môn văn hóa; một trong những trường dẫn đầu toàn ngành giáo dục tỉnh trong hoạt động dạy và học.
Năm 2012 cô được tín nhiệm ở vị trí công tác mới với chức danh Bí thư Chi bộ – Hiệu trưởng trường TH Lê Văn Tám. Đây cũng là giai đoạn phát triển mạnh nhất của nhà trường. Tiếp nối những truyền thống bền vững và phong trào “dạy tốt, học tốt”, nhà giáo Ngô Thị Thanh Nga cùng tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường thực hiện xây dựng lộ trình trường chuẩn quốc gia mức độ II. Giai đoạn này nhà trường có nhiều thuận lợi xong cũng gặp không ít khó khăn. Đây là giai đoạn về đích của lộ trình vì vậy cô và Ban giám hiệu nhà trường xác định tăng cường công tác chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, nâng cao trình độ, năng lực giáo viên là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Ngoài các lớp học, trường mở thêm phòng năng khiếu, phòng bộ môn; phòng thư viện thân thiện với nhiều góc hoạt động được trang bị đủ đồ dùng dạy học, sách giáo khoa, sách tham khảo phục vụ giáo viên và học sinh. Cô luôn quan tâm khích lệ giáo viên vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học tích cực; ứng dụng công nghệ thông tin, đưa tin học, ngoại ngữ vào giảng dạy. Không chỉ chú trọng việc bồi dưỡng kiến thức, cô chỉ đạo: “rèn thể chất, kĩ năng sống cho học sinh, tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp là nhiệm vụ quan trọng”. Nhờ đó, học sinh có thể lực tốt, nhanh nhẹn, tự tin trong mọi lĩnh vực. Học sinh tham gia các cuộc thi, giao lưu các giải đấu đều đạt thành tích cao.


Học sinh đạt giải nhất toàn đoàn cuộc thi văn toán tuổi thơ năm 2011-2012

           Học sinh đạt cấp Quốc Gia cuộc thi văn toán tuổi thơ tại Cà Mau
 

Em Minh Anh ngoài cùng bên trái

Học sinh đạt giải cấp Quốc Gia cuộc thi CLB Toán tuổi thơ năm 2016
Ngoài quan tâm đến công tác chuyên môn cô còn cùng các đồng nghiệp tạo cảnh quan trường lớp ngày càng khang trang bằng cách vận động cán bộ, giáo viên, phụ huynh, các tổ chức xã hội. Sau 5 năm xây dựng cơ sở vật chất, vượt qua mọi thử thách từ những phòng học tạm bằng gỗ đã xuống cấp nghiêm trọng, nay nhà trường đã có cơ sở vật chất khang trang, các dãy nhà cao tầng, có phòng học trực tuyến, Camera lắp khắp sân trường và các lớp học, đầy đủ phòng chức năng để đáp ứng được nhu cầu dạy và học.
Đến nay, 100% giáo viên của trường có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ; 100% cán bộ, giáo viên nhà trường thực hiện ứng dụng tốt công nghệ thông tin vào giảng dạy. Chất lượng giáo dục của nhà trường ngày càng được nâng lên, số lượng học sinh giỏi các lĩnh vực cấp thành phố, cấp tỉnh, cấp Quốc Gia tăng lên rõ rệt, khẳng định vị trí dẫn đầu toàn tỉnh. Nhiều năm liên tục Chi bộ Nhà trường đạt “Chi bộ trong sạch vững mạnh”, Nhà trường luôn hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu giáo dục. Năm học 2018 – 2019 nhà trường vinh dự được đón bằng công nhận trường chuẩn Quốc gia mức độ II và đón nhận cờ thi đua toàn diện của Chính Phủ, cũng chính dịp này cá nhân cô được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ.


 Cô Nga (thứ 4 từ trái sang) nhận cờ thi đua của Thủ tướng Chính Phủ 
 
Không chỉ với học sinh, với mái trường mà đối với đồng nghiệp, cô luôn quan tâm đến hoàn cảnh của mỗi giáo viên, nhất là đối với các giáo viên mới về nhận công tác ở trường, hoặc các thầy cô có con nhỏ, ở quá xa trường với tấm lòng của một người cô, người chị luôn giúp đỡ, động viên để thầy cô yên tâm công tác và gắn bó với trường. Có rất nhiều điều tôi muốn nói về cô Hiệu trưởng, nhưng đối với tôi cô là một “nữ thuyền trưởng” tài giỏi, rất đáng trân trọng, là một thần tượng lớn trong lòng tôi, tôi cảm thấy mình thật sự rất may mắn vì được đến với cô, đến với ngôi trường này.
Với tâm huyết cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, cô giáo Ngô Thị Thanh Nga xứng đáng là điển hình tiên tiến trong giảng dạy, quản lý của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Lào Cai, là tấm gương về sự tâm huyết, sáng tạo, học theo lời Bác, xứng đáng để mọi người noi theo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *